Mộc bản được làm bằng gỗ Thị là loại cây trước đây được trồng nhiều ở chùa Vĩnh Nghiêm và quanh vùng. Cây thị là loài cây bản địa có gỗ màu trắng, độ bền cao, ít cong vênh, ít bị nứt vỡ, và thường được sử dụng trong nghề khắc mộc bản của Việt Nam. Mỗi làng quê Việt Nam nói chung, người dân vùng Yên Dũng nói riêng đều rất ưa chuộng trồng cây thị trong vườn nhà hay trước đình, chùa làng vừa dễ lây bóng mát, vừa để lấy quả. Quả thị khi chín có màu vàng rất đẹp lại có hương thơm ngát cho nên bày mâm ngũ quả lễ Phật rất đẹp và thanh khiết.
Đã từ lâu, các sư tổ chùa Vĩnh Nghiêm biết khai thác tính năng ưu việt của gỗ Thị để đóng đồ thờ và khắc ván in mộc bản. Cho nên, xưa vườn chùa rộng nhưng cây Thị, cây Mít vẫn chiếm gần trọn gò đồi quanh chùa. Thị là loại cây rễ cọc, thân thẳng, mau lớn, chỉ hơn 20 năm đã có đường kính khoát thước và có thể xẻ ra lấy ván chế tác mộc bản.
Kích thước các mộc bản ở chùa Vĩnh Nghiêm không đồng đều, tùy theo từng bộ Kinh/sách mà có kích thước khác nhau. Bản khắc lớn nhất là các loại sớ điệp chiều dài hơn 100cm, rộng 40 – 50cm, bản nhỏ nhất chỉ khoảng 15 x 20cm, nhưng phần lớn mộc bản bộ Kinh Hoa Nghiêm có kích cỡ 33cm x 23cm x 2,5cm. Vì đã qua nhiều lần sử dụng, mực in bám khá dày, nên các ván đều có màu đen.
Chữ khắc trên mộc bản là chữ Hán cổ (dạng phồn thể), chữ Nôm đầu thế kỷ XX và số ít chữ Phạn. Đa số chữ viết trên mộc bản được khắc ngược (âm bản) trên hai mặt của mỗi ván (số ít khắc một mặt), phần lớn là thể chữ chân dễ đọc, chữ được khắc sâu (khoảng 1 – 1,5cm) nên bản in ra giấy dó rất sắc nét.
Kỹ thuật khắc chữ và đồ án trang trí trên mọi tấm ván đều đúng theo quy chuẩn đối với quy cách khắc bản sách in cổ của nước ta thời phong kiến.
Mỗi trang sách in ra sẽ có biên lan (khung viền lề sách), bản tâm (vị trí khắc tiêu đề sách), ngư vĩ (gáy sách) có thượng ngư vĩ và hạ ngư vĩ. Phần giấy trống ngoại thượng, hạ biên lan gọi là thiên đầu và địa cước (thiên đầu phía trên, địa cước phía dưới) tức là lề trên và lề dưới trang sách. Đặc biệt, ở ván khắc tương ứng với trang đầu hay trang cuối của mỗi cuốn sách, thường có lạc khoản cho biết thời gian san khắc, người san khắc, địa điểm tàng trữ. Thậm chí, nhiều bộ sách còn được người thợ khắc ghi tổng số chữ khắc trên mỗi trang ở ngay phía dưới hạ ngư vĩ để tiện cho việc kiểm đếm và thanh toán tiền công thợ.
Thiền Tông Bản Hạnh
Đại Thừa Chỉ Quán
BẢNG THỐNG KÊ ĐẦU SÁCH TRONG KHỐI MỘC BẢN CHÙA VĨNH NGHIÊM
1 | Kinh A Di Đà | 873 | Nội Điển |
2 | Tây Phương Mỹ Nhân Truyện | 873 | Nội Điển |
3 | Kinh Tín Lục | 1876 | |
4 | Sa Di Ni Giới | 1881 | Nội Điển |
5 | Tỳ Khưu Ni Giới | 1881 | Nội Điển |
6 | Kinh Hoa Nghiêm | 1921 | Nội Điển |
7 | Thiền Tông Bản Hạnh | 1932 | Nội và Ngoại Điển |
8 | Đại Thừa Chỉ Quán | 1935 | Nội Điển |
SƠ ĐỒ CHỈ DẪN CẤU TRÚC MỘT TRANG MỘC BẢN
Từ những ván khắc, người xưa phủ mực in lên trên rồi in và đóng sách theo khuôn mẫu với đủ “biên lan”, “bản tâm”, “thiên đầu, địa cước”. “Biên lan” có khung viền lề trang sách là một đường chỉ to và một đường chỉ nhỏ. “bản tâm” cho biết tên sách, thứ tự trang sách. Tả hữu, thượng hạ “Biên lan” có “thiên đầu – địa cước” rộng chừng 2,5cm. “Biên lan” có khung viền 4 lề trang sách, gồm 1 đường chỉ to và 1 dường chỉ nhỏ ( người xưa gọi là Văn Vũ Biên Lan). “Bản tâm” (hay bản khẩu) thường khắc dòng chữ cho biết tên sách (Hoa Khẩu), thứ tự sách. Thượng hạ “bản tâm” có “Ngư vĩ” (Đuôi cá) theo kiểu song “Ngư vĩ”.
Bình luận