Chữ Tâm trong kinh Lăng Già và chữ Tâm trong Thiền Tông Bản Hạnh

chu tam trong kinh lang gia va chu tam trong thien tong ban hanh

Sự phân biệt thị phi sinh ra từ cái tâm vô minh vọng chấp đưa đến cái hiểu biết xa lìa thực tánh của con người và môi trường sinh thái. Kinh Lăng Già chỉ ra sự nhận thức đúng đắn về chính tâm thức sáng suốt của mỗi con người. Với nhận thức và nhận biết đúng đắn chơn tâm của mình, con người sẽ làm chủ được cuộc đời mình và có thái độ ứng xử đúng đắn trong mọi tình huống thời gian, không gian và hoàn cảnh xã hội.

chu tam trong kinh lang gia va chu tam trong thien tong ban hanh

Cốt lõi “Kinh Lăng Già” là nói rõ thế giới các tướng trạng của tâm và chỉ cho con người phương pháp tu tập chuyển hóa nội tâm, loại trừ những vọng tưởng sai biệt, trở về với chân tâm thực tánh của chính mình. Lăng Già là bộ kinh lớn, bao quát rất nhiều vấn đề học thuyết chủ yếu trong nghĩa lý Phật giáo Đại thừa.

Từ thời sơ tổ Trúc Lâm với bộ Lăng Già, dòng mạch thiền được tiếp nối với nhiều thiền sư chứng ngộ. Thiền sư Chơn Nguyên đời nhà Lê viết tác phẩm “Thiền Tông Bản Hạnh” ghi về nghĩa lí thiền của sơ tổ Trúc Lâm có câu mang nội dung: “Muốn biết nguồn tâm thì hãy thỉnh quyển hai của kinh Lăng Già mà xem”. Bộ Lăng Già được xem như bộ tâm ấn của Thiền Trúc Lâm Yên Tử Việt Nam.

Tư tưởng của Lăng Già chú trọng đến giáo lý “Không”, “Vô ngã”. Trên cơ sở “Không”, “Vô ngã” của kinh Lăng Già thiền Trúc Lâm Yên Tử Việt Nam nhấn mạnh đề cao đến sự thể nghiệm tự chứng bản tánh thanh tịnh ở bên trong tâm của mình. Sự tự chứng được thực hiện trong thật tế đời sống “Cư trần – lạc đạo – tùy duyên”. Cư trần là sống trong môi trường ngôn ngữ và hoàn cảnh xã hội mình đang sống; Lạc đạo là sống bằng lòng với những chơn giá trị bình thường trong cuộc sống của cơ thể sinh học và môi trường sinh thái tự nhiên. Vui này là niềm vui thân tứ đại điều hòa khi đói ăn, khát uống, mệt ngủ. Tâm luôn ở trạng thái tĩnh lặng rõ biết mọi sự việc của cá nhân và xã hội trong hàng ngày.

Nói theo thuật ngữ thiền của chư tổ tiền bối: bình thường tâm là đạo. Sự an lạc bình thường tâm là đạo này được xác lập trên cơ sở tự thân và vạn vật đều được tồn tại theo nguyên lí sanh khởi và hoàn diệt của mười hai nhân duyên. Sự tùy duyên trong tinh thần “Cư trần – lạc đạo – tùy duyên” chính là sự sống, đối nhân xử thế với cái nhìn duyên khởi của mười hai nhân duyên.

Lối sống hiện thật  “Cư trần – lạc đạo – tùy duyên” chú trọng việc tự mình làm sáng tâm mình mà không vọng chấp vào sự phân biệt văn tự ngôn ngữ. “Cư trần – lạc đạo – tùy duyên” là nội dung cốt lõi của kinh Lăng Già và cũng chính là tông chỉ tâm tông của Thiền Trúc Lâm Yên Tử Việt Nam.Thiền học Trúc Lâm Yên Tử lấy tâm làm tông. Sự chú trọng về tâm này tương hợp với nội dung cốt lõi của kinh Lăng Già đi thẳng vào tâm để tự chứng bản thể nội tại Như Lai tàng thanh tịnh của chính mình.

Bình luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin cùng chuyên mục

Tin mới