Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là một trong những di sản quý báu của dân tộc Việt Nam. Những tư liệu trong kho mộc bản là nguồn sử liệu có giá trị trong việc nghiên cứu khoa học về lịch sử, văn hóa, giáo dục, ngôn ngữ, y học, Phật học nói chung trong lịch sử.
Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là bộ sưu tập mộc bản duy nhất hiện còn lưu giữ được của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử – một Thiền phái tiêu biểu của Phật giáo Việt Nam. Nội dung chính của kho mộc bản là các bộ kinh, sách, luật giới nhà Phật và trước tác của một số danh nhân, thiền sư đã sáng lập, chấn hưng, phát triển trung tâm Phật giáo Vĩnh Nghiệm trong nhiều thế kỷ và có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển về văn hóa, xã hội trong lịch sử Việt Nam như: Trần Nhân Tông, Pháp Loa Đồng Kim Cương, Huyền Quang Lý Đạo Tái,… Kho mộc bản có 3.050 tấm ván rời, với 9 đầu kinh, sách chính được san khắc trong những khoảng thời gian khác nhau gồm: Thần du Tây phương, Tây Phương mỹ nhân truyện (năm Tự Đức thứ 26-1873), Tỳ khâu ni giới (năm Tự Đức 34-1881), Sa di ni giới kinh (năm Tự Đức 34-1881), Đại phương Quảng Phật Hoa Nghiêm kinh (năm Tự Đức 37-1884), Kính tín lục (năm Tự Đức 39-1886), Thiền tông bản hạnh (năm Bảo Đại 7-1932), Đại thừa chi quán (năm Bảo Đại 10-1935), Di Đà kinh. Trong đó Thần du Tây Phương ký và Tây phương mỹ nhân truyện là sách nói về nguồn gốc của đạo Phật Ấn Độ. Tập Nhật trình Yên Tử nói về sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm và phương pháp tu thiền tâm của thiền phái này. Tất cả các tăng ni, phật tử theo dòng Đại thừa ở Việt Nam cũng như hải ngoại đều sử dụng các bộ kinh, luật, sách trên để tu trì hành đạo. Vì vậy, mộc bản chính là di sản văn hóa quý giá của Phật giáo Đại thừa trên toàn thế giới nói chung và Thiền phái Trúc Lâm của Việt Nam nói riêng.
Về niên đại chế tác: Mộc bản được chế tác trong khoảng thời gian từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX, nhưng phần lớn được san khác trong những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Kích thước các mộc bản ở chùa Vĩnh Nghiêm không đồng đều, tùy theo từng bộ kinh/sách mà có kích thước khác nhau. Bản khắc lớn nhất là loại sớ, điệp chiều dài hơn 100cm, rộng 40-50cm, bản nhỏ nhất khoảng 15x20cm, nhưng phần lớn mộc bản bộ Kinh Hoa Nghiêm (hơn 2800 mảnh) có kích cỡ 33cm x 23cm x 2,5cm. Một số vấn in có những hoa văn và hình chạm khắc đặc biệt thể hiện triết lý Phật giáo. Mỗi bản có 2 mặt, mỗi mặt 2 trang sách khắc ngược (âm bản) khoảng 2.000 chữ Hán, Nôm.
Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là sự sưu tập kinh sách thể hiện tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử vào thế kỷ thứ XIII là một sự kiện có ý nghĩa to lớn, thể hiện sâu sắc tinh thần tự lực và tùy duyên, nghĩa là xem Phật chính là bản thân mình, tự tin vào bản thân, không tin vào các thế lực thần bí, lạc quan với cuộc sống thực, thuận theo tự nhiên. Do đó, về tổng thể, nội dung của mộc bản ở chùa Vĩnh Nghiêm, có ý nghĩa lớn đối với xã hội Việt Nam trên nhiều phương diện như: Lịch sử, triết học, y học, giáo dục, ngôn ngữ, nghệ thuật. Đặc biệt Mộc bản chữ Nôm trong kho Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đánh dấu quá trình phát triển của hệ thống văn tự Việt Nam chuyển từ sử dụng chữ Hán của Trung Quốc sang coi trong sử dụng chữ Nôm của Việt Nam. Mẫu chữ Nôm trong tác phẩm Thiền Tông Bản Hạnh được Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm (The Vietnamese Nom Preservation Foundation, USA) lấy làm mẫu chữ cho font chữ Nôm trên mã Unicode (ký hiệu NomNaTongLight ,ttf) và được cài đặt vào máy tính trên toàn thế giới.
Kho mộc bản là bản nguyên gốc, còn tương đối nguyên vẹn và được bảo quản tốt theo phương pháp truyền thông của người Việt Nam, là tài sơn quý hiếm đạo biệt. Với các giá trị khoa học, lịch sử đặc sắc, ngày 16/05/2012, Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đã được công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới thuộc chương trình ký ức Thế giới Khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Bình luận