Chùa Vĩnh Nghiêm còn được gọi là chùa Đức La, xã Trí Yên huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Năm 1964 chùa được Nhà nước xếp hạng là di tích Lịch sử-văn hóa cấp quốc gia, đến năm 2015 chùa được. Nhà nước xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. Chùa thờ Phật và 3 vị Trúc Lâm tam tổ là vua Trần Nhân Tông (1258-1308), pháp danh Điều Ngự Giác Hoàng, thiền sư Pháp Loa (1284-1330) và thiền sư Huyền Quang (12541334).
Tương truyền chùa được xây dựng từ thời Lý và mở rộng vào khoảng thế kỷ 13 thời nhà Trần. Lịch sử phát triển của chùa gắn liền với sự hình thành và phát triển của thiên phái Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông sáng lập. Ba vị Trúc Lâm tam tổ từng trụ trì và mở trường thuyết pháp tại đây do đó chùa Vĩnh Nghiêm được coi là chốn tổ của thiền phái Trúc Lâm, trường đại học phật giáo đầu tiên ở Việt Nam và là trung tâm phật giáo thời Trần.
Chùa tọa lạc tại nơi có cảnh quan thiên nhiên đẹp, trên tấm bia lục lăng khắc bằng chữ Hán vào năm Hoằng Định thứ 7(1606) tại sân chùa còn ghi: “Chùa Vĩnh Nghiêm là một danh lam được xây dựng giữa một khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp của vùng Kinh Bắc. Nơi đây trang nghiêm rực rỡ, non cao ngàn dặm, trùng trùng điệp điệp vây quanh thành hình cái nong, chùa ở chỗ con sông sóng nước dạt dào mênh mông, quanh co uốn lượn chầu về như dải lụa bạc. Đây là một danh lam đứng đầu trong thiên hạ”.
Chùa Vĩnh Nghiệm hiện có 7 khối kiến trúc chính: Cổng tam quan; Tòa tiền đường, Thiêu hương, Thượng điện; Nhà tổ đệ nhất; Gác chuông; Nhà tổ đệ nhị; Hai dãy hành lang đông tây; Khu vườn tháp. Trải qua nhiều lần trùng tu tôn tạo đến nay đa số nét kiến trúc còn lại của chùa là những tác phẩm nghệ thuật của thời Lê-Nguyễn. Hiện nay chùa còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị như: Hệ thống tượng phật với quy mô bài trí chuẩn mực, các bia đá, hoành phi, câu đối, đồ thờ…Đặc biệt chùa còn lưu giữ được kho mộc bản kinh phật với 3.050 bản ván khắc chữ Hán rất có giá trị nghiên cứu về phật học, khoa học và lịch sử…Hiện nay Mộc bản đã được UNESCO công nhận là Di sản Ký ức thế giới khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Để bảo tồn và phát huy những giá trị của Mộc bản, năm 2017 chùa đã khánh thành nhà lưu giữ và trưng bày Mộc bản, qua đó đáp ứng nhu cầu bảo quản hiện vật quý, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến thăm quan tìm hiểu.
Lễ hội chùa Vĩnh Nghiệm được tổ chức từ ngày 12 đến 15 tháng 2 âm lịch hàng năm, thu hút đông đảo du khách thập phương về dự. Năm 2013 lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm được Nhà nước công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Bình luận