Nhiều nét mới tại lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm

Nhieu net moi tai le hoi chua Vinh Nghiem 3

BẮC GIANG – Được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm (xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, Bắc Giang) là một trong những lễ hội lớn trong vùng được tổ chức vào giữa mùa xuân. Năm nay, lễ hội diễn ra từ ngày 21 đến 23/3 (tức ngày 12 đến 14/2 âm lịch) với nhiều nét độc đáo thể hiện ở cả phần lễ và hội.

Nhieu net moi tai le hoi chua Vinh Nghiem
Đường vào chùa Vĩnh Nghiêm mới được mở rộng, trải nhựa.

Dân gian vẫn truyền nhau câu ca: “Thứ nhất là chùa Đức La – Thứ nhì chùa Bổ – Thứ ba chùa Tràng”. Chùa Vĩnh Nghiêm (còn gọi là chùa Đức La) là nơi Phật hoàng sáng lập ra dòng thiền Trúc Lâm, nơi khai tràng thiết pháp và cả kho mộc bản đã được công nhận là Di sản tư liệu ký ức khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Nói như vậy để khẳng định, Yên Dũng chính là nơi phát tích của Phật giáo Trúc Lâm. Chùa đang lưu giữ kho mộc bản gồm 3.050 bản ván khắc rời trên chất liệu gỗ thị dùng in kinh, luật, luận, được UNESCO vinh danh là Di sản tư liệu ký ức khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2012.

Theo UBND huyện Yên Dũng, điểm nhấn của lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm năm nay là chương trình nghệ thuật đặc biệt tại lễ khai mạc sáng 21/3 do các diễn viên Nhà hát Tuồng Việt Nam thực hiện. Bên cạnh chương trình trống hội (Hào khí non sông) với các màn múa rồng, múa lân còn có màn tái hiện chùa Vĩnh Nghiêm thời kỳ kháng chiến chống Pháp, lần đầu tiên hình ảnh sư trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm trên con đường hoạt động cách mạng bị giặc Pháp bắt, tra tấn được tái hiện tại lễ hội.

Nhieu net moi tai le hoi chua Vinh Nghiem 3
Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm diễn ra từ ngày 12 đến 14/2 âm lịch hằng năm.

Chuyện rằng, nhà sư Thích Thanh Tân (sinh năm 1883) tại thôn Quế Tân, xã Quế Tân, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh trong một gia đình nho giáo có truyền thống cách mạng. 15 tuổi, nhà sư được thân mẫu đưa lên chùa Vĩnh Nghiêm tu học, cơ duyên gặp được Thiền gia pháp chủ Thích Thanh Hanh và được nhận làm đệ tử thứ 2. Năm 1939, nhà sư Thích Thanh Tân được cử làm Trưởng chốn tổ Trúc Lâm Vĩnh Nghiêm.

Thời kỳ ấy, thực dân Pháp đang cai trị nước ta, dưới gót giày tàn bạo của chúng, dân ta bị bắt bớ, tàn sát. Chúng còn ra tay tàn phá chốn tâm linh như đình, đền, chùa trên khắp cả nước. Đau đớn, căm phẫn trước cảnh nước mất, dân khổ cực, lầm than, nhà sư không chỉ làm dương đạo pháp cầu cho quốc thái dân an mà còn góp sức hòa vào dòng thác cách mạng giành lại giang sơn.

Tham gia hoạt động cùng với đội du kích, ông bị địch bắt. Do kiên quyết không đầu hàng, ông bị chúng giết hại. Nhà sư yên nghỉ trong vườn tháp của chốn tổ Vĩnh Nghiêm. Sự hy sinh cao cả của ông sẽ được tái hiện tại lễ hội năm nay.

Nhieu net moi tai le hoi chua Vinh Nghiem 4
Du khách tham quan khu vực trưng bày Mộc bản.

Ngoài chương trình nghệ thuật diễn ra tại lễ khai mạc, du khách đến chùa sẽ được thăm thú, vãn cảnh, thưởng thức, trải nghiệm các hoạt động văn hóa, tham gia các trò chơi dân gian như chơi đu, nhảy bao bố, bịt mắt bắt vịt, đi cầu kiều trên hồ bán nguyệt… Cùng với các hoạt động trưng bày mộc bản, in tranh, viết thư pháp, du khách thập phương sẽ được trải nghiệm in mộc bản.

Tại đây có chương trình lễ rước 3 La (3 làng La trong xã gồm: La Trung, La Thượng, La Hạ) được tổ chức với lễ vật dâng lên gồm oản chay, chè lam, bánh dày, hoa quả hương đăng trang trí cho kiệu từng của làng.

Đặc biệt là tại lễ hội diễn ra giải vật tự do, vật dân tộc toàn tỉnh và giải kéo co, các trò chơi dân gian do huyện tổ chức với hàng trăm vận động viên tranh tài.

Theo ông Nguyễn Văn Điển, Chủ tịch UBND xã Trí Yên, năm nay, UBND huyện giao cho xã chủ trì tổ chức lễ hội. Vui mừng là Tam quan chùa Vĩnh Nghiêm vừa được khánh thành, tuyến đường kết nối từ đường tỉnh 293 (đường tâm linh) dẫn vào chùa cũng vừa được mở rộng, trải nhựa sạch đẹp.

Nhieu net moi tai le hoi chua Vinh Nghiem 5
Không gian yên bình tại chùa Vĩnh Nghiêm.

Ban Tổ chức đã xây dựng kế hoạch chu đáo để đón tiếp đại biểu, người dân, phật tử và du khách đến lễ hội; bố trí các điểm đỗ xe, hàng quán. Các lực lượng như: Công an, Hội Cựu chiến binh, Ban Chỉ huy Quân sự, Đoàn Thanh niên xã… được phân công nhiệm vụ, sẵn sàng cho công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ, vệ sinh môi trường. Các bãi trông giữ xe cũng được xã lên kế hoạch và sơ đồ chi tiết, tránh ùn tắc và bảo đảm an toàn cho phương tiện của du khách.

Công tác quản lý hoạt động tín ngưỡng được quan tâm. Các lực lượng liên quan sẽ hướng dẫn khách tham quan dâng lễ, đặt tiền lễ đúng nơi quy định; kiểm tra, ngăn chặn xử lý nghiêm các tệ nạn xã hội, phòng ngừa các đối tượng bói toán, bán thẻ, hoạt động mê tín dị đoan, bán sách báo ngoài luồng, đổi tiền lẻ, bán đồ chơi trẻ em nguy hiểm…Du khách lưu lại khoảnh khắc đẹp tại chùa Vĩnh Nghiêm.

Nhieu net moi tai le hoi chua Vinh Nghiem 2
Du khách lưu lại khoảnh khắc đẹp tại chùa Vĩnh Nghiêm.

Yên Dũng là vùng đất thiêng, sông nước hữu tình, mưa nắng thuận hòa, cỏ cây bốn mùa xanh tốt. Nhiều tên núi, tên sông, tên đất, tên làng đã đi vào truyền thuyết, lịch sử, cổ tích và ca dao. Hữu duyên giữa thế đất và lòng dân, nơi đây hội đủ yếu tố để tạo dựng những cơ sở vững chắc không chỉ cho kháng chiến và cách mạng mà còn cho cả tín ngưỡng và văn hóa.

Đến với chùa Vĩnh Nghiêm, đến lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm để thấm thía câu thơ: “Ai qua Yên Tử – Quỳnh Lâm, Vĩnh Nghiêm chưa đến, thiền tâm chưa đành”, tin rằng du khách sẽ có những trải nghiệm mới mẻ, thêm yêu truyền thống văn hóa, lịch sử.

Thu Phong

Nguồn : baobacgiang.vn

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin cùng chuyên mục

Tin mới