Khái quát giá trị của Di sản đề cử

Khai quat gia tri cua Di san de cu 2

Nhận Diện Di Sản

Tên nước

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Tên tỉnh, vùng, lãnh thổ

Khu Di sản thuộc địa bàn 3 tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương.

Tên di sản đề cử

Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc (sau đây viết tắt là Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử)

Khai quat gia tri cua Di san de cu 9

Tọa độ địa lý

Từ 21o05’ đến 21o09’ vĩ độ Bắc và 106o43’ đến 106o45’ kinh độ Đông.

Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử được đề cử là  Khu Di sản dạng chuỗi liên hoàn gồm 20 di tích thành phần liệt kê trong bảng dưới đây, nằm trong vùng địa lý của Dãy núi Yên Tử (một bộ phận của Cánh cung Đông Triều) ở khu vực Đông Bắc Việt Nam. Quần thể gồm hàng trăm di tích và danh thắng hiện thuộc phạm vi của 06 khu di tích quốc gia/ di tích quốc gia đặc biệt sau: 1).

Khu Di tích Lịch sử và Danh lam Thắng cảnh Yên Tử (Thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh); 2). Khu Di tích Lịch sử nhà Trần tại Đông Triều (Thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh); 3). Khu Di tích Lịch sử Bạch Đằng (Thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh); 4).

Các di tích quốc gia đặc biệt – chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà thuộc Khu Di tích và Danh thắng Tây Yên Tử (tỉnh Bắc Giang); 5). Khu Di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc, chùa Thanh Mai (Thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương); và 6). Khu Di tích An Phụ-Kính Chủ-Nhẫm Dương (Thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương)..

Các di tích thành phần của quần thể di sản đề cử được lựa chọn làm đại diện cho hàng trăm di tích từ 06 các di tích/ cụm di tích kể trên. Mỗi di tích/cụm di tích của các Di tích quốc gia/quốc gia Đặc biệt kể trên đã được khoanh vùng bảo vệ nghiêm ngặt theo Luật Di sản văn hóa của Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Xung quanh các di tích/cụm di tích đều có vùng bảo vệ cảnh quan, được coi là vùng đệm. Trong nhiều trường hợp, ranh giới của các vùng đệm này trùng với ranh giới của rừng quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, rừng đặc dụng hoặc rừng phòng hộ, cũng được bảo vệ theo các bộ luật, quy định hiện hành cấp quốc gia và/hoặc cấp tỉnh, chẳng hạn như Luật Lâm nghiệp, Luật Đa dạng sinh học, Luật Bảo vệ môi trường.

Trong các trường hợp còn lại, ranh giới vùng đệm được xác định theo các đặc điểm địa hình, địa vật tự nhiên, ví dụ như sống núi, sông, suối. Nói cách khác, tất cả các bộ phận cấu thành của Khu Di sản đề cử dạng chuỗi hiện đang được bảo vệ nghiêm ngặt và chúng có chung vùng đệm đã được công nhận và phê duyệt với các cụm di tích/di tích khác của mỗi Di tích quốc gia/quốc gia đặc biệt kể trên.

Khai quat gia tri cua Di san de cu 6

Tuyên Bố Về Giá Trị Nổi Bật Toàn Cầu

Tóm lược

Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc là một cảnh quan văn hóa dạng chuỗi liên hoàn, tiến triển hữu cơ tại vùng Đông Bắc Việt Nam. Khu Di sản chủ yếu là vùng miền núi nhưng cũng trải rộng xuống vùng ven biển.

Khu Di sản có 20 bộ phận cấu thành, diện tích tổng cộng 628,488 ha với các vùng đệm bao gồm các khu rừng, đất nông nghiệp nông thôn và một số khu vực dân cư nhỏ với tổng diện tích là 5,838.26 ha.

Các thuộc tính nổi bật của Yên Tử là có nhiều khu khảo cổ học và các công trình tín ngưỡng thờ Phật, các vị thần và anh hùng dân tộc hoặc chứng kiến các sự kiện lịch sử đặc biệt. Dù đã tồn tại hơn bảy thế kỷ, nhưng quẩn thể này vẫn tiếp tục là những di sản văn hóa sống động cho đến tận ngày nay.

Yên Tử nổi bật ở châu Á và trên thế giới với vị thế là nơi khai sinh Phật giáo Trúc Lâm độc đáo của Việt Nam, đồng thời là quê hương của họ Trần – dòng họ vào các thế kỷ 13-14 đã tạo dựng nên một trong những triều đại quân chủ rực rỡ nhất trong lịch sử Việt Nam. Bằng sự kết hợp nhuần nhuyễn và chặt chẽ giữa tư tưởng tôn giáo và quyền lực nhà nước, các lãnh tụ của Phật giáo Trúc Lâm và các vua Trần đã làm thay đổi đời sống tinh thần, xã hội, kinh tế, chính trị và quân sự của đất nước, tạo nên một quốc gia Đại Việt vững mạnh và có chủ quyền.

Mối liên hệ hài hòa giữa con người và môi trường được thể hiện qua việc bố trí các công trình tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh ở những nơi có đặc điểm địa chất, địa hình thuận lợi, sẵn có tài nguyên thiên nhiên phục vụ sinh hoạt, đồng thời bảo đảm an toàn trước thiên tai, địch họa. Sự hiểu biết sâu sắc về các đặc điểm địa hình, thủy văn, chế độ thủy triều và thời tiết cũng góp phần vào sự phát triển, an ninh quốc phòng của đất nước.

Khai quat gia tri cua Di san de cu 4

Biện Luận Về Các Tiêu Chí Đề Cử

Tiêu chí (III): Liên minh chiến lược giữa nhà nước, tôn giáo và người dân phát triển từ quê hương vùng núi Yên Tử đã tạo ra một truyền thống văn hóa độc đáo có ý nghĩa toàn cầu đã định hình sự tồn tại quốc gia, củng cố hòa bình và an ninh cho cả khu vực rộng lớn hơn.

Yên Tử là một bằng chứng ngoại hạng về một truyền thống văn hóa được hình thành và phát triển trên quê hương của vương triều Trần, đồng thời là chiếc nôi ra đời của Thiền phái Trúc Lâm – một thiền phái Phật giáo độc đáo.

Liên minh giữa Thiền phái Trúc Lâm và các vị vua Trần đã tạo ra đại đoàn kết dân tộc, huy động các lực lượng và toàn bộ các nhóm dân tộc và tôn giáo – tín ngưỡng cho việc xây dựng một đất nước Đại Việt độc lập, có chủ quyền toàn vẹn, bảo vệ hòa bình và ngăn chặn chiến tranh lan xuống Đông Bắc Á và Nam Á trong các thế kỷ 13-14.

Truyền thống văn hóa này đã được biểu hiện qua những di chỉ khảo cổ và di tích quan trọng, một mạng lưới rộng rãi nhiều am chùa, đền miếu, lăng tẩm, mộ tháp, các bãi chiến trường và cùng với một lượng lớn các di sản văn hóa phi vật thể phong phú. Liên minh lịch sử giữa chính trị, tôn giáo, xã hội cùng với ảnh hưởng của nó vẫn tiếp tục phát huy cho tới ngày nay thông qua sự tiếp nối truyền thống thờ tự Phật giáo Trúc Lâm và di sản triều Trần tại vùng lõi Yên Tử, lan tỏa ra toàn bộ đất nước và nhiều nơi khác trên thế giới.

Khai quat gia tri cua Di san de cu 10

Tiêu chí (V): Sự hiểu biết sâu sắc và tôn trọng thiên nhiên trong sử dụng tài nguyên của người Đại Việt trên Yên Tử từ xa xưa là một minh chứng nổi bật trên thế giới về sự tương tác giữa con người với môi trường, thuận lợi cho việc thực hành tôn giáo, phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ tổ quốc.

Yên Tử là một cảnh quan tiến triển hữu cơ, trải qua một tiến trình kiến tạo lâu dài, phức tạp, quá trình biển tiến, biển thoái, và những thay đổi lớn trên các dòng sông và hình thành các bãi đất ven biển. Đó cũng là nơi con người đã chiếm hữu và ở lại định cư từ xa xưa. Trong khoảng thế kỷ 13-14, dải đất này đã trở thành lãnh thổ có tầm quan trọng chiến lược của triều đại nhà Trần, và là “Thánh địa” của Phật giáo Trúc Lâm. Đặc điểm hữu hình của Yên Tử rất thuận lợi cho phát triển kinh tế, giao thương quốc tế, giao thoa văn hóa, tín ngưỡng và quân sự, quốc phòng.

Phật giáo Trúc Lâm trân trọng một cuộc sống yêu thương, hài hòa và bảo vệ thiên nhiên, với sự thấu hiểu về các điều kiện tự nhiên và ứng dụng thành thạo các nguyên lý phong thủy, bao gồm các yếu tố tự nhiên về địa chất, địa hình, các nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có, gió và nước trong sự hài hòa với vận mệnh con người, từ các góc độ an toàn và an nình đối với con người.

Những hiểu biết và ứng dụng thành thạo đó thể hiện rõ trong việc lựa chọn nơi cư trú, thờ tự, và thậm chí cả bố trí các bãi chiến trường trong chiến tranh. Sự kết nối hữu cơ giữa cảnh quan thiên nhiên và đời sống con người vẫn tiếp tục đến ngày nay, đơn cử như việc bố trí, sắp đặt toàn diện các địa điểm thờ tự và thực hành tôn giáo.

Khai quat gia tri cua Di san de cu 2 1

Tiêu chí (VI): Phật giáo Trúc Lâm thể hiện một minh chứng có ý nghĩa toàn cầu về cách một tôn giáo được hình thành từ nhiều tín ngưỡng khác nhau, bắt nguồn và phát triển từ Yên Tử, có ảnh hưởng tới xã hội thế tục, góp phần củng cố quốc gia, đảm bảo cho hòa bình và hợp tác khu vực. Yên Tử có mối liên hệ hữu cơ với Phật giáo Trúc Lâm, dòng thiền có bản sắc Việt độc đáo, dung hợp các dòng phái Phật giáo đương thời, các phái thiền khác nhau trong khi tư tưởng Trúc Lâm còn được đúc rút cả từ tinh hoa của Đạo giáo, Nho giáo và tín ngưỡng bản địa.

Đặc trưng bởi tinh thần tự chủ, “phản quan tự kỷ”, “cư trần lạc đạo”, “hòa quang đồng trần” và đặc biệt “nhập thế tích cực” vào đời sống của nhân dân và mọi mặt của đất nước, Phật giáo Trúc Lâm trở thành một lực lượng nền tảng cho xây dựng đất nước. Bắt đầu từ quê hương tâm linh Yên Tử và lan rộng ra trần thế, Phật giáo Trúc Lâm có đóng góp rõ rệt cho mọi phương diện của cuộc sống đất nước từ tinh thần, xã hội, kinh tế, chính trị, và an ninh quốc gia dưới triều đại nhà Trần.

Các công trình tu tập, thờ cúng thể hiện rõ các yếu tố về bố cục, kiến trúc và trang trí đặc trưng của thời đại, truyền thống văn hóa và mục đích của chúng. Thêm vào đó còn có nhiều di sản phi vật thể vô giá minh chứng cho tư tưởng và ảnh hưởng của Trúc Lâm, như kinh sách, chuyện kể, văn hóa dân gian, truyền thuyết và thơ phú. Nổi bật trong số này là những bộ mộc bản quý hiếm được khắc chữ Hán-Nôm, được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới.

Phật giáo Trúc Lâm thể hiện giá trị di sản nổi bật toàn cầu đối với Việt Nam, châu Á và thế giới.

Khai quat gia tri cua Di san de cu 1 1

Tuyên Bố Về Tính Toàn Vẹn

Tất cả các di tích thành phần đều là bộ phận của các di tích  quốc gia đặc biệt được bảo vệ nghiêm ngặt theo luật pháp quốc gia với ranh giới pháp lý được xác định rõ ràng và kế hoạch quản lý và bảo tồn. Mọi thay đổi đáng kể về giá trị văn hóa của các di tích này đều phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Mọi giá trị và thuộc tính nổi bật của văn hóa Phật giáo Trúc Lâm và triều Trần đều được chứa đựng và thể hiện một cách toàn diện trong Khu di sản, bao gồm cả một hệ thống các di chỉ khảo cổ, kiến trúc và các yếu tố phi vật thể đang được bảo vệ, bảo tồn và tiếp tục được coi trọng và nghiên cứu. Chỉ có một số ít dân cư sinh sống trong Khu di sản.

Mỗi bộ phận cấu thành đều được bao quanh bởi một vùng đệm có thể bảo vệ Khu di sản khỏi các tác động bên ngoài. Quy hoạch tổng thể với các mục tiêu tăng cường bảo vệ, được áp dụng cho toàn bộ khu vực. Rừng tự nhiên chiếm một phần đáng kể, các nguồn tài nguyên thiên nhiên được sử dụng một cách bền vững trong khi mật độ dân cư nhìn chung là thấp chỉ với một số ít các trung tâm dân cư lớn.

Không có yếu tố đáng kể nào tác động tiêu cực đến Khu di sản hoặc vùng đệm. Một số mỏ than đang được khai thác bên ngoài vùng đệm nhưng không có tác động bất lợi trực tiếp đến Khu di sản. Hoạt động du lịch ở mức phù hợp với khả năng chịu tải du lịch của toàn khu.

Khai quat gia tri cua Di san de cu 6 1

Tuyên Bố Về Tính Xác Thực

Bằng chứng của tính xác thực của các giá trị và thuộc tính của di sản được thể hiện từ kết quả khai quật khảo cổ học, ghi chép trong các sử ký của Việt Nam, văn bản tôn giáo cổ, kinh Phật, văn bia, bản đồ và bia ký cổ… Tính xác thực rõ ràng của các di tích và kiến trúc công trình được xác nhận bởi tính nguyên gốc, vị trí, mục đích, công năng và cách thức sử dụng không thay đổi theo truyền thống văn hóa.

Hầu hết các địa điểm và công trình được xây cất đều nhằm mục đích thờ Phật, truyền giảng đạo pháp, luân lý, và làm nơi ăn nghỉ của tăng ni. Một số công trình khác để thờ cúng và tưởng nhớ tổ tiên, thần linh, các vị vua, anh hùng dân tộc hoặc các sự kiện lịch sử. Ngày nay các công trình này vẫn đang được sử dụng vào những mục đích như vậy.

Vật liệu tự nhiên sẵn có tại chỗ được dùng để xây cất, bao gồm đá cuội kết, sạn kết, cát kết, cuội sỏi và đất sét phong hóa, trong khi đá vôi và đất nung được sử dụng cho các họa tiết trang trí, với các biểu tượng Phật giáo. Khi tu bổ, phục dựng công trình, các cấu trúc, vật liệu và trang trí ban đầu thường được cố gắng tận dụng đến mức cao nhất.

Một số công trình bị hư hại hoàn toàn đã được phục dựng, một số công trình khác chỉ được biết đến từ các cuộc khai quật khảo cổ học, tài liệu lịch sử, kinh văn, chuyện kể… Tuy nhiên, các công trình và kiến trúc đó đều vẫn ở vị trí ban đầu. Các truyền thống thờ cúng và thực hành tôn giáo, trải qua hàng trăm năm và nhiều thế hệ vẫn được duy trì. Mục đích và ý nghĩa cốt lõi của các lễ hội cơ bản vẫn được giữ nguyên. Tinh thần và cảm xúc vẫn ngự trị vẹn nguyên trong trái tim và khối óc của người dân.

Khai quat gia tri cua Di san de cu 4 1

Yêu Cầu Về Bảo Vệ Và Quản Lý

Toàn bộ Khu di sản được bảo vệ trong các khu di tích quốc gia đặc biệt, các khu rừng được bảo vệ, các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên vốn đang được bảo vệ nghiêm ngặt theo các bộ luật của quốc gia. Khu di sản đang được vận hành và quản lý theo thẩm quyền của UBND ba tỉnh và được quản lý tổng thể bởi Ban quản lý Yên Tử theo một kế hoạch quản lý dựa trên cơ sở pháp lý có tính ràng buộc.

Ranh giới Khu Di sản và vùng đệm đã được thống nhất và được xác định rõ ràng. Khu Di sản được cam kết bảo vệ và hỗ trợ tài chính mạnh mẽ từ Chính phủ và chính quyền cấp tỉnh, với sự ủng hộ, tham gia đầy đủ của các bên liên quan và người dân địa phương.

Tuy có một vài đe dọa tiềm năng nhất định nhưng không có nguy cơ nào ngay lập tức gây hại hoặc ảnh hưởng tiêu cực đến Khu Di sản và vùng đệm xung quanh.

Các ưu tiên trong tương lai bao gồm cải thiện các kỹ thuật bảo tồn và phục dựng các công trình và di tích; giảm thiểu tác động đến Khu Di sản và các khu vực xung quanh; nghiên cứu, khai quật khảo cổ học, lịch sử, giáo dục nhận thức và nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ; tăng cường sự tham gia và lợi ích của cộng đồng địa phương.

Khai quat gia tri cua Di san de cu 7 1

Tên và thông tin liên hệ của các cơ quan/tổ chức địa phương có thẩm quyền

1.Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Địa chỉ: số 51 Ngô Quyền, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

Điện thoại: (84-24)3.9438.231 – 3.9439.232

Fax: (84-24) 3.9439.009

Email: bovanhoathethaodulich@chinhphu.vn – https://bvhttdl.gov.vn

2.Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam

Địa chỉ: Số 2 Lê Quang Đạo, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội

Điện thoại: 0243.3799.5305

Email: Unescovn@mofa.gov.vn

Bình luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin cùng chuyên mục

Tin mới